27/03/2015 11:58 GMT+7

Bí quyết của thủ khoa khối A: ​giải thật nhiều bài tập

MỸ DUYÊN
MỸ DUYÊN

TTO - Với cách thức học hiểu, học theo suy luận để bản thân thật sự làm chủ vấn đề, Phan Lê Bảo Ân đã trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2014 với 28 điểm khối A.

Không chỉ thế, Ân còn đậu khoa răng hàm mặt Trường ĐH Y dược TP.HCM với 25 điểm khối B. Chìa khóa giúp Ân đạt được những thành tích trên là nhờ tâm lý thoải mái khi học, chịu khó mày mò khi gặp vấn đề khúc mắc và cầu toàn với bản thân mình.

Luôn phải kiểm tra bằng máy tính

Phan Lê Bảo Ân - thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2014

Tự nhận mình là người không có khả năng học thuộc lòng nên với bất kỳ vấn đề gì, Ân cũng tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc một cách kỹ lưỡng, từ đó tạo cho mình cách hiểu và cách suy luận riêng.

Với toán, trong quá trình học Ân cố gắng giải thật nhiều bài tập, đặc biệt những dạng như bất đẳng thức, phương trình và hệ phương trình, hình học giải tích phẳng. Những dạng khác đã ổn hơn, Ân chú ý cách trình bày, tính toán kỹ để không phải mất nhiều thời gian ôn tập.

Trong khi làm bài, trường hợp chỉ còn vài phút nữa hết thời gian, Ân sẽ ngừng bút để kiểm tra tất cả những gì mình đã làm được thay vì tiếp tục suy nghĩ những bài khó, dành sức cho buổi thi tiếp theo.

Ân chia sẻ bí quyết của bản thân: “Khi giải đề thi ĐH, mình không được quá tin tưởng vào khả năng tính nhẩm của bản thân mà phải luôn kiểm tra lại bằng máy tính. Đối với toán, bài nào kiểm tra được bằng máy tính (như tích phân, phương trình, phương trình lượng giác) mình nên tận dụng triệt để nhằm tiết kiệm thời gian, công sức.

Khi giải quyết những bài toán khó với thời gian ít ỏi, mình thường viết thẳng vào giấy làm bài thay vì viết ra nháp như mọi khi. Nếu dữ kiện, các bước làm của mình dư thì giám khảo cũng không trừ điểm, tranh thủ làm được bước nào hay bước đó, phòng trường hợp làm ra nháp rất tốt nhưng khi chép vào lại hết thời gian".

Chìa khóa đạt 9,5 điểm lý và hóa

Ân thường làm bài trắc nghiệm hai môn lý và hóa theo cách từ trên xuống dưới. Điều này giúp Ân có thể xen kẽ câu khó và câu dễ, giữa lý thuyết và bài tập, tránh việc dồn nhiều bài tập cùng một lúc sẽ bị rối. Những câu chưa chắc chắn, Ân sẽ chọn một đáp án theo cách tính gần nhất và ghi chú lại để khi hoàn tất cả bài, Ân kiểm tra những câu đó đầu tiên.

Theo Ân, đề thi ĐH môn lý có những câu rất dễ nhưng cũng có những câu rất khó. Những câu khó thường tập trung vào nội dung điện xoay chiều và dao động cơ. Bên cạnh đó, công thức của môn lý rất nhiều, nếu mình không thật sự hiểu vấn đề sẽ mất thời gian học thuộc lòng nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu.

Để khắc phục điều này, Ân chọn cho mình cách chỉ học công thức quan trọng nhất của từng nội dung. Từ công thức đó, Ân tìm cách chứng minh, biến đổi bằng toán học.

“Mình tự suy nghĩ cách làm này cho bản thân sau khi cảm thấy rối rắm trước nhiều công thức. Ban đầu nó khiến mình mất nhiều thời gian vì một bài tập trắc nghiệm phải trình bày như một bài tập tự luận. Tuy nhiên, về sau khi đã làm quen, mình tự giản lược nhiều bước, chỉ nhìn yêu cầu của bài, ráp các dữ kiện và ghi ra công thức tính toán cuối cùng”, Ân nói.

Với hóa, Ân cho rằng để đạt điểm cao phải có kiến thức rộng, vì hầu hết nội dung thi không quá dễ nhưng cũng không quá khó. Lý thuyết lẫn bài tập đều đòi hỏi người làm phải cẩn thận vì chúng thường gài bẫy, liên quan đến trường hợp ngoại lệ.

Đối với câu bài tập, các đáp án đôi khi cũng có thể giúp gợi ý, định hướng cách làm, giảm số trường hợp phải xét. Đối với câu lý thuyết, mình nên đọc hết bốn đáp án rồi mới chọn vì đôi khi chỉ cần thiếu hoặc dư một từ cũng dẫn đến sai lầm, đặc biệt đối với câu hỏi có xuất hiện “Cả A, B, C đều đúng”. 

Ân chia sẻ: “Đến khi nào cảm thấy mình đủ nội lực, khoảng 1-2 tháng trước khi thi ĐH, mình mới bắt tay vào giải đề thi các năm trước, đề thi thử của trường bạn. Vì mình cho rằng nếu chưa đủ kiến thức mà vội làm đề thi ĐH sẽ hoang mang, gây tâm lý không tốt.

Mỗi ngày mình thường giải một đề lý và một đề hóa. Mỗi tuần mình làm 2-3 đề thi toán và tạo cho bản thân cảm giác thi thật - canh thời gian làm bài chính xác, trình bày rõ ràng. Sau khi hoàn tất, mình thường dò lại đáp án và ghi nhận kết quả kỹ lưỡng.

Với câu sai, mình tìm hiểu nguyên nhân, đọc lại cách làm bài của mình và trình bày từ đầu. Với những câu chưa rõ, mình thường đánh đấu lại, liệt kê vào danh sách những bài tập phải lưu ý để lâu lâu lấy ra giải lại cho nhớ”.

Chọn “đam mê” thay vì “có khả năng”

“Từ bé, ba mẹ đã thích mình thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, còn mình thấy không phù hợp ở môi trường làm việc nhiều áp lực như bệnh viện. Để trung hòa ý kiến của hai bên, mình và ba mẹ cùng đưa ra những lý do nên và không nên khi quyết định chọn ngành cho tương lai. Trong đó, việc sợ máu, tính tình không cẩn thận là lý do tiên quyết thường đưa ra để thuyết phục mình không phù hợp với ngành y. Dần dần sở thích trở thành giảng viên và nghiên cứu sinh hóa học cũng được ba mẹ đồng thuận ủng hộ”, Bảo Ân chia sẻ.

Không chỉ đến khi định hướng nghề nghiệp tương lai, Ân mới chọn điều mình đam mê thay vì điều mình có khả năng. Ngay từ khi còn học phổ thông, Ân đã quyết định chuyển hướng từ học sinh chuyên toán (Ttrường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Q.1, TP.HCM) sang chuyên hóa (Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM). 

Ân nói về lựa chọn của mình: “Khi được tiếp xúc với hóa từ năm lớp 8, mình thấy rất thích thú và thường xuyên chủ động tìm kiếm những kiến thức nâng cao để tìm hiểu. Từ đó, khả năng và đam mê của bản thân cũng được bồi đắp dần qua thời gian. Khi đứng trước giữa việc đam mê và việc có khả năng để làm, mình sẽ chọn việc mình đam mê. Vì đam mê sẽ giúp năng lực, chuyên môn tăng lên không ngừng, còn việc mình có khả năng làm chưa hẳn sẽ thích và gắn bó lâu dài”.

MỸ DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên